Chúng tôi mong muốn hoạt động đọc sách trở thành một nét văn hóa trong gia đình của bạn. Vì thế, các giờ đọc sách có thể xuất hiện dưới hai dạng:
- Giờ đọc sách hàng ngày ( ví dụ 30 phút mỗi ngày)
- Giờ đọc sách đặc biệt, khi đó có thể cả nhà cùng đọc hoặc đọc kèm thêm hoạt động sân khấu hóa (ví dụ 1 lần/ 1 tuần)
Và hoạt động trong Lịch Đậu Ngọt chính là thể hiện của Giờ đọc sách đặc biệt.
Hướng dẫn trẻ đọc hiểu và cách bố mẹ giúp con tương tác với sách:
Hãy đọc bài chia sẻ của cô Điệp để rõ hơn các đọc sâu cho con:
1. Ở lứa tuổi còn nhỏ, đặc biệt là tiền học đường, việc dạy trẻ biết sâu tốt hơn là biết rộng. Như kiểu dựng cho móng chắc rồi mới chồng tầng. Chúng ta thường gặp những bạn nhỏ ở giai đoạn 3-5 tuổi biết rất nhiều nhưng đến khi đi học tiểu học, tự nhiên thấy “chững” lại. Lý do thì nhiều nhưng chủ yếu vẫn là, khi thấy các bạn ham hiểu biết, có tư duy nhạy bén thế là bố mẹ hàng ngày cung cấp cho các bạn rất nhiều, rất nhiều thông tin. Và rồi rất vui mừng khi thấy con nhớ hết. Điều đó tạo nên thói quen và cho các bạn cảm giác mình “biết” nhiều. Cảm giác thích thú này có thể không kéo dài những năm sau. Việc đọc sách vừa đủ nhưng khai thác sâu sẽ cho các bạn thấy cần thiết phải tìm hiểu sâu một vấn đề nào đó.
2. Điều gì làm nên một câu chuyện, một cuốn sách? Đó là các yếu tố liên quan đến: nhân vật, bối cảnh ( thời gian, địa điểm), diễn biến, cách giải quyết… Đó cũng là: bìa sách, hình vẽ, lời thoại, từ ngữ. Nếu hiểu được những điều này thông qua sự hướng dẫn của người lớn sẽ thuận lợi cho quá trình viết văn của trẻ sau này.
Trong quá trình cùng con đọc sách, mình thường khuyến khích con:
Ghi dấu ? vào những chỗ con chưa hiểu.
Ghi dấu ! vào những chỗ con thấy ngạc nhiên.
Ghi dấu ❤ vào chỗ con yêu thích.
Ghi dấu ~ vào chỗ con thấy giống với những câu chuyện mà con đã được đọc.
Đây cũng là một trong những kĩ năng “ghi chú” cần thiết rất có lợi trong việc làm các bài đọc hiểu tiếng Anh sau này.
3. Trong chương trình giáo dục phổ thông mới, kĩ năng đọc hiểu rất được coi trọng. Đọc hiểu sẽ không chỉ xuất hiện trong môn Ngữ văn mà còn ở trong các môn học khác như Khoa học, Lịch sử… Các thể loại đọc hiểu cũng càng ngày càng được mở rộng, không chỉ đọc văn bản mang tính nghệ thuật mà còn đọc các văn bản thông tin ( đọc bảng nội quy, thông báo, đơn từ, các bài báo khoa học…). Vì thế, bạn hoàn toàn có thể chuẩn bị cho con kĩ năng này.
Ví dụ: cả nhà đi vào khách sạn, có thể đọc bản nội quy rồi hỏi con một vài điều xung quanh những quy định đó, thế cũng được coi là “đọc hiểu” rồi.
4. Bạn đừng lo rằng, đọc mà cứ phải gắn với tìm hiểu thì mệt lắm. Không, mình nghĩ là do cách khai thác thôi. Ví dụ đọc xong một câu chuyện mà cả nhà diễn rối tay về câu chuyện đó với nhau thì vui quá còn gì. Và bạn cũng nên để con thoải mái tự làm việc với văn bản.
Mình thường hướng dẫn Nam cách để mở rộng câu ( rèn luyện ngữ pháp) lấy từ ý chính trong câu chuyện.
Ví dụ, với truyện Ngôi nhà bé nhỏ.
Câu ngắn là: Tôi thích ngôi nhà bé nhỏ vì nó nằm ở vùng quê.
Câu mở rộng: Tôi thích ngôi nhà bé nhỏ vì nó nằm ở vùng quê, cạnh sườn đồi hoa cúc trắng.
Câu mở rộng hơn nữa: Tôi thích ngôi nhà bé nhỏ vì nó nằm ở vùng quê, cạnh sườn đồi hoa cúc trắng và nó có thể ngắm cảnh sắc thay đổi theo bốn mùa.
Cứ thế, bạn có thể khuyến khích con viết thành đoạn văn.
5. Bạn cũng đừng cho rằng, trời ơi, đọc mà làm vậy thì lấy đâu ra thời gian. Mình thì nghĩ rằng, đọc hiểu có thể tiến hành bất cứ khi nào bạn gần con. Đọc hiểu có thể lồng trong hoạt động chơi. Đọc hiểu có thể diễn ra trước giờ đi ngủ. Khi muốn, bạn sẽ tìm ra cách thức còn khi không muốn, bạn sẽ tìm được lý do.
6. Đọc hiểu sẽ là phương tiện tuyệt vời để…học vẽ. Mà trẻ con, mình hầu như chưa thấy em nào không thích vẽ vời, chơi với màu. Vì đọc hiểu cần để minh họa cho câu chuyện, như: Vẽ lại các phần của câu chuyện, vẽ lại bức tranh thích nhất, vẽ lại nhân vật trong truyện, vẽ lại tóm tắt câu chuyện… Nói chung là thỏa sức vẽ vời. Nhất cử lưỡng tiện.
7. Đọc/ Đọc hiểu là chất “kết dính” cho tình bạn giữa bố mẹ và con cái. Đọc sách cho con đã là tuyệt vời rồi nhưng nếu cả nhà cùng nhau tranh luận, chuyện trò về câu chuyện thì sẽ đem lại cho con những kí ức thần tiên thơm ấm. Mình thực sự nghĩ như vậy.
Với mình, trong quá trình dạy Nam đọc, luôn có một hoạt động: Đọc cho bố mẹ nghe ( nếu nhà bạn nào có em bé thì để cho bạn lớn đọc cho bạn bé là điều tuyệt vời nhất). Mình còn có cả bài thơ về việc này, bài này mình phóng tác từ bài thơ của nước ngoài:
Chạm gối vào mẹ
Sách để trên lòng
Tay nắm lấy nhau
Chạm gối chạm gối
Mẹ nhìn vào sách
Em giở từng trang
Cất tiếng đọc vang
Chạm gối chạm gối
Kệ cho trời tối
Bên ánh đèn vàng
Từng trang từng trang
Chạm gối chạm gối…
Bài thơ miêu tả hình ảnh hai mẹ con ngồi cạnh nhau, chạm gối vào nhau và sách để ở giữa. Và con thì cứ đọc thôi…